Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Một số đặc điểm chuyển động của các thiên thể

-         Mặt trời một năm chỉ mọc đúng hướng Đông và lặn đúng hướng Tây vào 2 ngày: Xuân phân (ngày 20 hoặc 21 tháng ba) và Thu Phân (23 hoặc 24 tháng chín). Sau xuân phân, điểm mọc của Mặt Trời lệch về phía Đông Bắc, ngày lệch cực đại là Hạ chí (ngày 22 tháng sáu), lệch 23 độ 27 phút so với chính đông. Điểm lặn cũng lệch về phía Tây Bắc theo quy luật ấy. Sau đó điểm mọc lệch dần về phía Nam và đạt chính đông và ngày Thu Phân. Qua Thu phân điểm mọc dịch dần về phía Đông Nam ( điểm lặn Tây Nam), đạt độ lệch cao nhất vào ngày Đông Chí (22 tháng 12) khoảng 23 độ 27 phút rồi lại dịch dần về phía Bắc cho tới ngày Xuân Phân. Như vậy điểm mọc của mặt trời có thể lệch nhau tới 46 độ 54 phút trong một năm.

-         Ngoài ra, trong năm vị trí Mặt trời trên nền trời sao cũng thay đổi. Mặt Trời từ từ dịch chuyển đối với các sao theo ngược chiều Nhật động ( từ Tây sang Đông), trọn một vòng hết 365,25 ngày. Mặt trời dịch chuyển in hình lên các chòm sao và mỗi tháng gần như vào một chòm. Đường đi này gọi là Hoàng đạo và đới cầu bao gồm 12 chòm sao gọi là Hoàng đới. Ban ngày ta không nhìn thấy sao, nhưng ban đêm ta có thể xác định được chòm sao mà Mặt trời đang in nhờ vào sự xuất hiện của chòm sao đối diện. Ví dụ: Tháng Ba đối diện tháng Chín, đêm ta thấy Mặt trời lặn, chòm Trinh nữ (sao Xử Nữ) xuất hiện (quay đối diện với Mặt trời trên thiên cầu). Vậy Mặt trời đang in lên chòm sao Song Ngư.
Các chòm sao trên hoàng đới


Tháng
Tên chòm sao Mặt trời in lên

Tháng
Tên chòm sao Mặt trời in lên
1
Con hưu
Capricornus
7
Con tôm
Cancer
2
Bình nước
Aquarius
8
Sư tử
Leo
3
Song ngư
Pisces
9
Trinh nữ
Virgo
4
Con dê
Aries
10
Cái cân
Libra
5
Con trâu
Taurus
11
Thần nông
Scorpius
6
Song tử
Gemini
12
Nhân mã
Sagittarius

-         Mặt Trăng cũng từ từ dịch chuyển đối với các sao theo chiều từ Tây sang Đông (ngược chiều Nhật động), trọn 1 vòng gần 27 ngày. Đồng thời hình dáng của Mặt Trăng cũng thay đổi (lúc tròn, lúc khuyết, lúc không xuất hiện).
-         Các sao dường như chỉ tham gia vòng quay của Mặt trời, vị trí tương đối giữa chúng không đổi trong một năm, tạo nên các chòm cố định.
-         Tuy vậy có một số sao đi lang thang giữa các sao khác (hành tinh). Người xưa tìm thấy năm hành tinh là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Các hành tinh nói chung dịch chuyển đối với các sao ngược chiều nhật động, nhưng có khi chúng dịch chuyển ngược lại tạo nên quỹ đạo hình nút. Đường đi của chúng gần với Hoàng đạo. Đặc biệt Thủy tinh, Kim tinh thường ở gần Mặt trời.
Người xưa đã dựa trên những quan sát về chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng...để xác định thời gian, làm lịch và xác định phương hướng. Họ đã nhận thấy Mặt trời, Mặt trăng, Trái đất và các hành tinh kết hợp thành một hệ mà ta gọi là hệ Mặt trời sau này.

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử

Họ là những người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, tài giỏi và hơn thế họ có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với đất nước và thậm chí là cả thế giới.
Cleopatra (69 TCN - 30 TCN)
Là một người đàn bà đẹp mê hồn của Ai Cập từ hơn 2.000 năm trước, Cleopatra trở thành nữ hoàng khi mới 18 tuổi nhưng bà đã cai trị thành công đất nước Ai Cập.


Không chỉ đẹp, Cleopatra còn có một trí thông minh tuyệt vời, tầm hiểu biết sâu rộng và khả năng thuyết phục có một không hai.
Với mối tình tay ba với hai người hùng của La Mã cổ đại: Hulius Caesar – vị Thống soái La Mã (100-44 trước Công Nguyên (TCN) và Antony – một trong ba người chấp chính của La Mã những năm 82-30 TCN, Cleopatra đã không chỉ bảo vệ được lợi ích cho đất nước Ai Cập mà còn ngăn cản không cho người La Mã chiếm đoạt Địa Trung Hải. Sau này, Blaise Pascal – nhà toán học, vật lý học, triết học và nhà văn Pháp đã nói: “Nếu cái mũi của Cleopatra dài thêm một chút thì cục diện thế giới sẽ thay đổi”.
Isabella I (1452 - 1540)
Trở thành Nữ hoàng khi 23 tuổi, Isabella I là một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh và dũng cảm. Bà là người có công lớn trong việc thống nhất Tây Ban Nha sau 700 năm phân tán đất đai (1492). Đặc biệt, bà đã đóng góp một vai trò hết sức quan trọng trong việc nhà thám hiểm hàng hải Columbus phát hiện ra châu Mỹ.


Isabella I  đóng góp một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện ra châu Mỹ.
Bà đã ủng hộ kế hoạch của Columbus và cung cấp tiền để ông tiến hành chuyến thám hiểm về hướng Tây. Khi ông trở về, Nữ hoàng Isabella I cùng chồng đã tiếp đón ông và tiếp tục hỗ trợ để ông tiến hành thêm 3 chuyến đi biển đến châu Mỹ. Sự nhìn xa trông rộng và ủng hộ của bà kết hợp với ý tưởng táo bạo của Columbus đã giúp phát hiện ra được một châu lục mới, khiến cho phần lớn châu Mỹ sau đó trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha và Châu Âu.
Từ Hy Thái Hậu (183... -  1908)
Là quý phi của Hoàng đế Hàm Phong Văn Tông, là mẹ của Hoàng đế Đồng Trị, là dì của Hoàng đế Quang Tự nhà Thanh, Từ Hy Thái Hậu là một phụ nữ đẹp trong lịch sử Trung Quốc và cũng là một người phụ nữ đặc biệt vì trong suốt hai đời vua Đồng Trị và Quang Tự bà luôn buông rèm chấp chính (48 năm).



Từ Hy Thái Hậu buông rèm chấp chính trong suốt 48 năm.
Hoàng đế Võ Tắc Thiên (625 - 705)
Tên thật là Võ Chiếu, con gái của một vị đô đốc huyện lợi thời Đường Cao tổ. Là một người con gái đẹp tuyệt vời, bà được cả hai đời vua là Đường Thái Tông và Đường Cao Tông sủng ái và trở thành Hoàng hậu của vua Đường Cao Tông. Cả trong lịch sử và truyền thuyết Trung Hoa, Võ Tắc Thiên là một người đàn bà thông minh tuyệt vời, nhiều mưu lược và tàn ác.


Hình ảnh Võ Tắc Thiên được diễn viên Lưu Hiểu Khánh (Trung Quốc) thể hiện đặc biệt thành công.
Ngay cả khi vua Đường Cao Tông chồng bà còn trị vì đất nước, Võ Tắc Thiên đã nhiều lần ra tay tàn sát để chiếm đoạt và duy trì ngôi cao. Sau 20 năm chấp chính, ngày 9 tháng 9 năm 690, Võ Tắc Thiên lên ngôi Hoàng đế, đổi quốc hiệu là Chu.
Từ khi trở thành vị nữ hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa, bà có một loạt các chính sách tiến bộ trong việc dùng người tài, trí thức, tập hợp trí tuệ tổ chức thi cử, khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy lợi, phát triển quân sự... Trị vì được 50 năm bà đã làm thay đổi đất nước Trung Hoa với một nền kinh tế phát triển, xã hội ổn định và dân số tăng cao.
Nữ hoàng Elizabeth I (1533 - 1603)
Là một trong 9 vị nữ hoàng của nước Anh, Elizabeth I trị vì đất nước 45 năm. Elizabeth I không chỉ là người có ảnh hưởng lớn đến lịch sử nước Anh mà bà còn có ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử thế giới. Elizabeth I là một phụ nữ tài năng về nhiều mặt: Chính trị; quân sự; ngoại giao và tập trung trí lực để trị vì đất nước.


Thời bà trị vì, nước Anh đạt được nhiều thành tựu vĩ đại cả về kinh tế, chính trị và quân sự.
Đặc biệt bà đã xây dựng hải quân Anh trở thành một trong những lực lượng hàng đầu thế giới. Bà không có gia đình riêng do những toan tính, cân nhắc đến những lợi ích quân sự, chính trị, ngoại giao giữa Anh và các nước lớn lúc bấy giờ là Pháp và Tây Ban Nha cũng như lợi ích của các tôn giáo đương thời. Bởi thế, suốt cuộc đời bà là một phụ nữ cô độc và trinh tiết. Elizabeth I mở ra cho nước Anh thời đại của một đế quốc phát triển. Sau này một đại quý tộc Anh từng nói: “Nước Anh tự hào vì có Elizabeth I”.
Catherine II (1729 - 1796) nước Nga
Một nhà sử học đã nói rằng: “Muốn tìm hiểu hệ thống tổ chức chính trị nước Nga, hãy tìm hiểu Catherine II”. Một cuộc đảo chính đã giúp bà thoát khỏi chồng là Pierre III (một vị vua kém cả về trí và lực). Catherine II không được chính thức lên ngôi nữ Hoàng đế vì bà không phải là người Nga mà chỉ là nhiếp chính cho con trai bà, lúc bấy giờ bà đã bước sang tuổi 35.


Đến Nga lúc 15 tuổi, là một phụ nữ tri thức, bà đã có những mối quan hệ với đại sứ các nước.
Sau khi lên cầm quyền, bà sử dụng chính sách “chuyên chế quân chủ khai sáng”, tập trung quyền lực ở Trung ương, cải cách trên nhiều phương diện, thúc đẩy xã hội phát triển. Catherine II có biệt tài lung lạc lòng người, vì thế bà luôn được mọi người ủng hộ kể cả những người có địa vị thấp kém trong xã hội. Trong 34 năm trị vì, Catherine II đã xây dựng quân đội Nga với 125 vạn quân, bà tự cầm binh đánh giặc 32 lần, mở rộng hải quân, phát triển công nghiệp vũ khí. Nhiều cuộc chiến tranh đã được bà khởi chiến và tiến hành như: chiến tranh xâm lược Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thuỵ Điển... Năm 1775, bà cải cách toàn bộ bộ máy hành chính cấp tỉnh và huyện. Năm 1783, bà thành lập Hàn lâm viện Nga, khuyến khích việc in ấn, lo về giáo dục, xây dựng Luật học đường...
Marie Curie (1867 - 1934) - Nhà khoa học vĩ đại
Nói đến những phụ nữ có ảnh hưởng đến thế giới, chúng ta không thể không nhắc đến Marie Curie – một nhà khoa học vĩ đại. Cùng với chồng là Piere Curie, bà đã phát hiện ra chất radium – một chất phóng xạ mạnh hơn uranium 2 triệu lần, bà đã khai sinh ra một ngành khoa học mới và lật đổ những học thuyết đương thời về vật lý.


Bà cùng chồng tìm ra nguyên tố hoá học mới đặt tên là Polonium để tỏ lòng yêu đất nước Ba Lan của mình.
Sau đó họ lại phát hiện ra nguyên tố phóng xạ mới từ uranium nhựa đường và đặt tên là radium đồng thời xác định được nguyên tử lượng và tinh chế được chất phóng xạ này.
Bà là giáo sư của Học viện Đại học Paris, Viện sĩ Viện Khoa học Pháp, đã hai lần được nhận giải thưởng và huy chương của 7 quốc gia, 107 chức vụ quan trọng. Khi Thế chiến II bùng nổ, bà đã dành số vàng giải thưởng Nobel lần thứ 2 hiến thành công trái để giúp đất nước và nhân dân Pháp. Hoà bình lập lại, Marie Curie trở thành sứ giả khoa học vĩ đại, dùng khoa học để tượng trưng cho hoà bình.

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Plasma - trạng thái thứ tư của vật chất


Vật chất, ngoài ba trạng thái thường gặp là thể rắn, lỏng, khí, còn tồn tại ở một dạng đặc biệt khác, được gọi là "trạng thái plasma", hay là thể khí ion hoá.
Hãy lấy nước làm ví dụ: Đun nóng một cục băng đến mức độ nhất định, nó (ở thể rắn) sẽ biến thành nước (thể lỏng), nhiệt độ tăng lên nữa nước sẽ bốc hơi (thể khí). Nếu tiếp tục tăng nhiệt độ nước lên cao nữa, kết quả sẽ là gì?

Khi nhiệt độ chất khí cao hơn vài ngàn độ, các electron mang điện âm bắt đầu bứt khỏi nguyên tử và chuyển động tự do, nguyên tử trở thành các ion mang điện dương. Nhiệt độ càng cao thì số electron bứt ra khỏi nguyên tử chất khí càng nhiều, hiện tượng này được gọi là sự ion hoá của chất khí. Các nhà khoa học gọi thể khí ion hóa là “trạng thái plasma”. Ngoài nhiệt độ cao, người ta có thể dùng các tia tử ngoại, tia X, tia bêta cực mạnh chiếu vào chất khí cũng làm cho nó biến thành plasma.
Không phải là xa lạ
Có thể bạn cảm thấy trạng thái plasma rất hiếm gặp. Nhưng thực ra đó là một trạng thái rất phổ biến trong vũ trụ. Trong lòng phần lớn những vì sao phát sáng đều có nhiệt độ và áp suất cực cao, vật chất ở đây đều ở trạng thái plasma. Chỉ có ở một số hành tinh tối và vật chất phân tán trong thiên hà mới có thể tìm thấy chất rắn, chất lỏng và chất khí.
Ngay xung quanh chúng ta cũng thường gặp vật chất ở trạng thái plasma. Như ở trong ống đèn huỳnh quang, đèn neon hay trong hồ quang điện sáng chói. Hơn nữa, trong tầng ion xung quanh trái đất, trong hiện tượng cực quang, trong khí phóng điện sáng chói ở khí quyển và trong đuôi của các sao chổi đều có thể thấy trạng thái kỳ diệu này.

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Tại sao bầu trời lại màu xanh?



Bài này của tác giả Nguyễn Hoài Nam - thành viên VACA viết đã lâu, nay xin được một lần nữa giới thiệu với các độc giả yêu thiên văn. Bài viết rất hay tuy không quá chi tiết, tác giả đưa độc giả đến với một lí giải rất thường ngày không phải ai cũng nhận ra.
Nói kĩ hơn về hiện tượng quang học dẫn đến việc Mặt Trời buổi sáng sớm thường đỏ hơn: 

Ánh sáng nhìn thấy đối với con người nằm trong một dải bước sóng có màu sắc là tập hợp của tất cả các màu người ta có thể nhìn thấy ở cầu vồng 

Trong đó các sóng có bước sóng càng ngắn càng ở gần phía tím. Thực chất, cái gọi là sáng hay tối cũng chỉ là tương đối và có thể nói rằng chúng ta có thể nhìn thấy các sóng có bước sóng như thế thì chúng ta gọi nó là ánh sáng. Tia hồng ngoại với chúng ta không phải ánh sáng nhìn thấy vì chúng ta không thể thấy nó, còn với con mèo thì một phần hồng ngoại cũng là ánh sáng nhìn thấy, vì thế mà nó có thể nhìn vào ban đêm.
Các sóng có bước sóng càng ngắn thì càng mang năng lượng lớn.
Từ khi học lớp 12 chúng ta biết rằng khi thay đổi môi trường truyền sáng thì các sóng có năng lượng càng lớn càng bị lệch nhiều (tia tím bị lệch nhiều hơn tia đỏ).
Buổi sáng sớm, Mặt Trời còn rất gần chân trời, có nghĩa là ánh sáng của nó đến được với mắt bạn phải đi qua một đoạn đường rất dài có chứa khí quyển Trái Đất. Độ dày của lớp khí quyển này ảnh hưởng khá nhiều đến sự khúc xạ của ánh sáng, cụ thể là nó làm cho sự sai khác về độ lệch giữa các tia có bước sóng khác nhau rõ ràng hơn: tia tím bị lệch nhiều hơn và do đó mật độ các tia tím đến được với mắt bạn ít hơn mật độ các tia đỏ, vàng, da cam... Chính vì thế ánh sáng Mặt Trời bạn nhìn thấy không còn là ánh sáng trắng mà lệch nhiều về phía đỏ và chính vì thế ban sớm Mặt Trời đỏ hơn lúc giữa trưa rất nhiều.

Còn những thời điểm khác, và kể cả là 12h trưa, có một câu hỏi: "tại sao bầu trời lại có màu xanh?" (why is the sky blue?)
Câu trả lời cũng tương tự thôi.
Thế này nhé: Bức xạ phát ra từ Mặt Trời thực chất gồm rất nhiều các bước sóng khác nhau, từ các bước sóng vô tuyến, hồng ngoại đến ánh sáng nhìn thấy, tia tử ngoại, tia X... Khi đi qua khí quyển Trái Đất, các tia có bước sóng ngắn, mang năng lượng lớn hơn thì bị khúc xạ nhiều hơn và phân tán mạnh ra xung quanh hơn. Nhờ đó mà tầng khí quyển của chúng ta có thể ngăn được rất nhiều các bức xạ có hại như tia tử ngoại, tia X... (có bước sóng ngắn, năng lượng cao)
  Cũng vậy, các bức xạ ánh sáng có bước sóng gần về phía tím, xanh thì bị khúc xạ và phân tán nhiều hơn trong khi các tia có bước sóng dài hơn, gần về phía đỏ thì dễ đến được với mắt bạn hơn.
Chính lí do này làm cho vào ban ngày, bầu trời thì có màu xanh (không phải màu tím vì một phần tia tím đã bị cản lại trước khi nó đến được mắt bạn, do đó các tia phân tán trong khí quyển gần với mắt bạn nhất thì tia xanh chiếm ưu thế hơn) còn Mặt Trời thì tuy phát ra ánh sáng trắng nhưng bạn lại thấy nó có màu da cam, vàng, gần đỏ.